20 năm võ học của thạc sĩ giáo dục Trường IVS: Luôn nhớ ơn người thầy nổi tiếng

 Thứ sáu - 22/09/2023 03:59
Toàn quốc -
20 năm võ học của thạc sĩ giáo dục Trường IVS: Luôn nhớ ơn người thầy nổi tiếng

20 năm võ học của thạc sĩ giáo dục Trường IVS

Vô tình bén duyên với môn võ Vovinam - Việt võ đạo, cô nữ sinh Trần Thị Hương đã gắn bó và trở thành giáo viên võ thuật Trường IVS, giành nhiều HCV tại các giải đấu.

Sau giờ tập, cô nữ sinh Trần Thị Hương, Trường Đại học Thể dục Thể thao TP.HCM khi đó thường ngồi lại nhà đa năng để nhìn anh chị khoá trên tập luyện. Một hôm Hương thấy một vận động viên võ thuật bay lên kẹp cổ quật ngã đối phương, Hương rất tò mò. Sau một thời gian tìm hiểu, Hương biết đây là môn Vovinam - Việt võ đạo do cố Võ sư Nguyễn Lộc sáng lập mang tinh thần, ý chí của người Việt. Kể từ đó Hương chuyển sang tập luyện môn võ này và đạt nhiều HCV tại các giải đấu.

Trần Thị Hương thi đấu và đạt nhiểu HCV. Ảnh: IVS

Cô Trần Thị Hương, sinh năm 1991, trong một gia đình có đông anh em ở Tây Ninh. Từ năm 12 tuổi, Hương đã bắt đầu luyện tập và thi đấu môn Karate cho tỉnh Tây Ninh. Tuy nhiên, sau 8 năm gắn bó, Hương quyết định gác lại để quyết tâm theo đuổi môn võ của dân tộc Việt Vovinam sau lần vô tình ấy.

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Thể dục Thể thao TP.HCM, Hương thực tập và công tác tại Trường Phổ thông IVS, ngôi trường 100% học sinh đều tập luyện Vovinam. Cũng từ đây đã có bước ngoặt quan trọng nhất với Hương.

Học sinh Trường IVS trong giờ tập võ Vovinam – Việt võ đạo. Ảnh: IVS

Gặp cô Hương trong một buổi lên lớp tại Trường IVS. Dáng người cô nhỏ bé nhưng đầy nội lực, những đòn đánh toát lên thần thái của một Võ sư. Cô Hương nói: "Điều tuyệt vời nhất khi công tác tại IVS là vào năm 2016, tôi đã gặp Đại võ sư Trần Nguyên Đạo, Tổng thư ký Hội đồng Võ sư Vovinam - Việt Võ Đạo Thế giới, khi thầy tới thăm trường. 

Khát vọng lan toả Vovinam – Việt võ đạo ra toàn thế giới của thầy để người ngoại quốc thấy sự vĩ đại của một dân tộc ngàn năm Văn hiến đã khiến tôi ấp ủ sẽ học thạc sĩ và nghiên cứu đề tài phát triển về Vovinam".

Đại võ sư Trần Nguyên Đạo thăm Trường IVS TP.HCM năm 2016. Ảnh: IVS

Đại võ sư Trần Nguyên Đạo tập luyện Vovinam từ năm 1964, tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa tại Pháp. Ông là người góp công lớn sáng lập Liên đoàn Vovinam - Việt võ đạo Pháp, Bỉ, Canada, Algeria, Maroc, Senegal, Mali... Năm 2015, ông được nhà nước Việt Nam, thông qua Uỷ ban Olympic Việt Nam ghi nhận những đóng góp của ông cho nền võ thuật Việt Nam. 

Được tiếp xúc với thầy Trần Nguyên Đạo từ sớm, cô Hương hiểu sâu sắc hơn về Vovinam. Đây không chỉ đơn thuần là một môn thể thao mà khi bước ra trường quốc tế, môn võ ấy trở thành tiếng nói, hình ảnh, sức mạnh và bản lĩnh của người Việt.

Võ sư Trần Nguyên Đạo lan toả Vovinam – Việt võ đạo toàn thế giới. Ảnh: IVS

Cô Hương chia sẻ: "Thầy Đạo là người tôi rất kính trọng, thầy am hiểu sâu rộng văn hoá thế giới. Thầy chia sẻ cho tôi rất nhiều kiến thức bổ ích. Thầy nói, khi em bước ra thế giới mới thấy rộng lớn biết bao nhiêu và để thế giới biết đến chúng ta ngày hôm nay một phần chính là quảng bá văn hoá. Võ thuật chính là văn hoá, gần 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài tự hào về lịch sử dân tộc, tự hào về đất nước yêu hoà bình và sẽ tự hào về màu xanh hoà bình mang tên Vovinam - Việt võ đạo. 

Cũng từ đó tôi lựa chọn đề tài nghiên cứu bảo vệ luận văn thạc sĩ của mình là "Nghiên cứu lựa chọn một số bài tập phát triển thể lực Vovinam cho nam học sinh trường nội trú IVS". Mỗi lứa tuổi sẽ có những bài tập phù hợp từ vươn thở, kéo giãn, bật nhảy, tốc độ, sức bền, chế dộ dinh dưỡng, nghỉ ngơi phù hợp để phát triển tốt nhất".

Những tài liệu quý giá do chính thầy Trần Nguyên Đạo viết góp phần để cô Hương hoàn thành luận văn. Ảnh: IVS

Cô Hương khiên tốn kể rằng: "Năm nay tôi tham dự khoá tập huấn kỳ thi Cao đẳng môn Vovinam do trường IVS tổ chức. Tôi may mắn được gặp lại thầy Trần Nguyên Đạo, được thầy chỉ dạy trong suốt quá trình tập huấn. Ở cái tuổi 70, thay vì đeo đai dự khán thì thầy trực tiếp huấn luyện, luôn với ánh mắt rực lửa nhiệt huyết, 8 đòn đánh trỏ chỉ trong hai giây, 5 lần trình luận án võ học, 1 ngày tập 3 ca nóng không bật quạt, khát không tự do uống nước. Tôi hiểu ra rằng "Người thầy dạy võ" không chỉ là người giỏi võ mà tri thức uyên bác, sự kỷ luật, của thầy mới song hành để đưa học trò của mình tới đỉnh cao vinh quang.

Mong muốn của Bác Hồ sau này đất nước Việt Nam có thể sánh vai với cường quốc năm châu và tôi nghĩ rằng, với tinh thần, sức mạnh của Vovinam sẽ góp phần trong công cuộc ấy".

Trần Thị Hương tập luyện trong kỳ thi thăng đai Võ sư. Ảnh: IVS

Trần Thị Hương trong giờ huấn luyện tại trường IVS. Ảnh: IVS

20 con đường võ học, trải qua nhiều bộ môn, giành vinh quang trên sàn đấu và sau cùng quyết tâm gắn bó với môn võ Việt Vovinam... với cô Hương, đó là do được tiếp sức từ ngọn lửa dân tộc luôn cháy bỏng trong tâm của người thầy Trần Nguyên Đạo. Và thành quả cô Hương bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ Giáo dục học, đạt kết quả cao trong kỳ thi thăng đai cấp Cao đẳng (cô đạt trình độ Võ sư) cũng chính là câu trả lời cho đam mê của cô: "Trên con đường võ học, không chỉ có sức mạnh mà luôn luôn cần một trí tuệ uyên bác để nâng bước thành công".

 

  Bình luận

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây