Ngày 20.11, đến ngôi trường chuyên dạy học sinh 'đặc biệt'
Thứ năm - 29/07/2021 01:20
Những đứa trẻ nghiện game, ngang bướng, ham chơi bỏ học được cha mẹ gửi vào ngôi trường chuyên biệt này để rèn luyện trong nhiều năm với hy vọng khi trở về con sẽ là người có ích cho xã hội.
Những em học sinh khiến cha mẹ bất lực vì sự ngang bướng của mình lại được những thầy cô của trường học đặc biệt này xem như là những đứa trẻ hồn nhiên với những tố chất riêng biệt.
Ngông cuồng tuổi mới lớn
Nằm trong khuôn viên Khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM, trường Nội trú IVS dành cho trẻ “cá biệt” với 500 em học sinh luôn rộn rã tiếng cười nói.
VIDEO: Bên trong ngôi trường dạy học sinh 'đặc biệt cá tính' - Thực hiện: Vũ Phượng |
Thầy Tống Văn Tam, Tổng điều hành hệ thống trường nội trú IVS tại TP.HCM cho biết 500 em học sinh trong trường là 500 hoàn cảnh, câu chuyện khác nhau. Tuy nhiên, có một điểm chung là em nào cũng cần được trải lòng và chia sẻ.
Học sinh của trường đa phần là những em nghiện game mà gia đình bất lực, cha mẹ ly hôn hoặc không tìm được tiếng nói chung với cha mẹ.
Thầy Tam phân tích, các em nghiện game luôn sở hữu những giá trị ảo, các em có thể đau xót, khóc thương cho nhân vật trong game mà quên mất đi thực tại cuộc sống đang diễn ra. Những em cha mẹ ly hôn thường sẽ bị tổn thương tâm lý sâu sắc vì thiếu vắng tình yêu thương.
Các em chủ yếu đang ở độ tuổi phát triển, tâm sinh lý chưa ổn định nên khá nhạy cảm. Vì vậy, một số em nhìn vào cách cư xử của cha mẹ rồi chán chường nên thành trầm cảm hoặc tăng động.
Em Nguyễn Thị Minh T. (16 tuổi, quê Đà Nẵng) cho biết em là con một trong gia đình cả ba mẹ đều làm kinh doanh, thường xuyên đi công tác nước ngoài. Tất cả việc chăm sóc T. cũng như đưa đón đi học ba mẹ đều giao lại cho người giúp việc.
Đến trường nhìn bạn bè được cha mẹ đưa rước em tủi thân nên dùng tiền ba mẹ cho chi tiêu hàng tháng đổ hết vào game để… giải sầu. Được một thời gian kết quả học sa sút, cô giáo liên hệ với gia đình thì mẹ T. đưa em vào trường IVS.
“Lúc mẹ giao em cho thầy em chỉ cười nhếch môi, em nghĩ rằng ba mẹ chỉ thích kiếm tiền chứ đâu có cần em nữa nên mới gửi em vào đây. Em chán nên chẳng thèm nói hay chào hỏi gì. Ba mẹ thì khoảng 3 tháng vào thăm em 1 lần xong lại thôi”, T. tâm sự.
Vốn quen tiêu xài và dùng internet nay lại phải từ bỏ tất cả nên khoảng thời gian đầu tại trường với T. rất khó chịu vì bứt rứt tay chân. Do đó, T. ngày càng cục tính với bạn bè và thầy cô.
Vậy nhưng khi được thầy cô “bắt bệnh” và “trị bệnh” bằng cách quan tâm chia sẻ, sau 3 tháng T. dần mở lòng và tâm sự chuyện của mình cho thầy cô nghe. Từ đó, T. bắt đầu hòa nhập với môi trường học tập mới.
Thầy cô chữa bệnh tâm lý
Ngoài học văn hóa theo chương trình của sở giáo dục, các em ở đây còn được học nhiều kỹ năng sống, tự lập như trong môi trường như quân đội, rèn luyện thể thao và giá trị sống.
Tại đây, các thầy cô vừa làm cha mẹ, vừa làm bạn bè vừa làm chuyên gia để đánh thức những nhân cách trong mỗi em. Đặc biệt, giáo viên quản nhiệm phải có tấm lòng vị tha, yêu thương và kiên nhẫn mới có thể “hòa nhập” được với các em.
Thầy Trịnh Phú Sơn, Tổng phụ trách ký túc xá IVS cho biết lúc các em mới vào trường là lúc các em đang mất lòng tin từ gia đình, vì vậy sẽ mất lòng tin với tất cả những người xung quanh. Do đó, thầy cô quản nhiệm phải hết sức khéo léo và cố gắng mới có thể hóa giải được những tâm sự trong lòng các em.
“Chính vì theo sát 24/24 nên khi nhận thấy được sự thay đổi gì từ tính cách cho đến lời nói, hành động của các em thì thầy cô quản nhiệm ai cũng vui mừng. Chỉ cần các em mở lòng mình thì những thứ còn lại sẽ rất dễ dàng”, thầy Sơn chia sẻ.
Tương tự, một câu chuyện khiến thầy Tam nhớ mãi đến hôm nay là chuyện của em học sinh tên An. Cha mẹ gửi An vào trường vì em mê chơi game và 2 năm không nói chuyện với gia đình. Ở trường hơn 1 tháng em vẫn không nói chuyện với bất kỳ ai. Cho đến khi em làm rơi gối được thầy Tam nhặt lên giúp em đã nói “Cảm ơn Thầy”.
|
An im lặng nằm khóc không nói gì, đến hôm sau thì em xin thầy được gọi điện thoại về nhà và chỉ nói đúng hai câu: “Ba mẹ khỏe không? Công việc của ba mẹ thế nào?” rồi cúp máy và bỏ về phòng.
Bất ngờ vì câu hỏi thăm của con trai, cha mẹ An đã liên hệ chia sẻ cảm xúc với thầy Tam và lên thăm con sau đó.
Thầy Tam trải lòng: “Thấy các em thay đổi từng chút một mình nhìn cũng sướng huống gì phụ huynh”. Hiện nay, An đang là sinh viên trường Đại học kiến trúc TP.HCM và thường xuyên về thăm trường.
Chị H. (ngụ Hà Nội), phụ huynh học sinh từng học tại trường nội trú IVS cũng chia sẻ, con trai chị khi còn đi học rất quậy, gia đình ai cũng đau đầu nhưng không thể quản nổi. Hết cách, chị đã gửi vào trường IVS để vừa học văn hóa vừa rèn luyện. Sau khi học hết 12, con trai chị H. thi đậu Đại học hàng hải và đã biết lo nghĩ nhiều hơn cho cha mẹ.
Vì đâu nên nỗi?
Theo thầy Tam, các học sinh trong trường đa phần là con của những gia đình có điều kiện nhưng các em vẫn rất đáng thương vì không được tâm sự, gần gũi với cha mẹ. Thầy Tam cho rằng sự quan tâm của cha mẹ là một trong những lý do chính các em trở thành những học sinh “cá biệt”.
Thầy Tam nói: “Có những phụ huynh luôn áp đặt suy nghĩ của mình lên con cái, đem con mình so sánh với bạn bè đồng trang lứa làm các em tổn thương. Cũng như có những phụ huynh không chia sẻ, trò chuyện cùng với con làm các em lạc lõng trong chính ngôi nhà của mình nên phải tìm nhiều thú vui khác ở ngoài”.
Bên cạnh đó, một vài trường hợp khác mà phụ huynh khiến nhiều thầy cô quản nhiệm đau đáu trong lòng vì gửi các em vào trường rồi 1 năm chỉ gọi điện thoại cho các em một, hai lần.
“Những lúc như vậy nhìn các em thấy rất thương, dù sao thì tình cảm gia đình cũng là tình cảm thiêng liêng, các em có quậy đến mấy nhưng sâu thẳm trong lòng vẫn yêu thương, kính trọng cha mẹ. Những trường hợp như vậy, chúng tôi chỉ biết tâm sự, động viên để các em khuây khỏa”, thầy Tam cho hay.
Vũ Phượng Báo Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/ngay-2011-den-ngoi-truong-chuyen-day-hoc-sinh-dac-biet-766107.html
Bình luận
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Liên kết website
Tin mới
- Người muốn đưa Lân, Sư, Rồng Việt Nam ra thế giới
- Học sinh IVS phô diễn tuyệt kỹ Vovinam và múa Rồng truyền thống Việt Nam tại Brazil.
- NGHỆ SĨ NHÂN DÂN TRỌNG TRINH ĐỒNG HÀNH CÙNG IVS.
- "Lễ hội Halloween" và ý nghĩa giáo dục đặc biệt tại Hệ thống Giáo dục IVS.
- LỄ KHAI GIẢNG NĂM HỌC 2024-2025 TRƯỜNG IVS CƠ SỞ BẮC NINH