Nơi con trưởng thành
“Hồi đó em hư lắm, ba mẹ khóc suốt. Nhưng giờ em khác rồi, không nhận ra mình luôn” - tay vò đầu, tay còn lại vân vê chiếc áo có rất nhiều chữ ký, lời dặn dò, chúc tụng được bạn bè viết tặng, Hà Lý Trọng N. Mỉm cười, nói về sự đổi thay tâm tính.
Không riêng N., đó cũng là hành trình chung của rất nhiều học sinh trường nội trú IVS (Q.Thủ Đức, TP.HCM) sau một thời gian theo học.
Những cô cậu ngông cuồng
N. là con trai duy nhất trong gia đình có ba chị em. Cha mẹ kinh doanh ngành vận tải, cuộc sống khá giả nên từ nhỏ N. rất được cưng chiều. Năm lớp 7, N. gia nhập hội những người có sở thích đua xe. Thường xuyên trộm tiền gia đình, N. rủ bạn mua phụ tùng về “độ” cho mình một chiếc xe gắn máy. Xe giấu ở nhà bạn, đêm xuống, N. tìm cách rời nhà, tụ tập đua.
Nhiều lần họp phụ huynh, biết con có nguy cơ bị đuổi học, cha mẹ N. từ thuyết phục đến khóc lóc, van xin con “dừng cuộc chơi” song vô vọng. Với N., không điều gì ngăn em gạt bỏ hứng thú được ngồi trên chiếc xe, giữa đêm chạy bạt mạng, bất kể đã từng bị tai nạn hay bắt giữ.
Lớp 8, N. nổi tiếng là cậu bé chuyên “độ” xe cung cấp theo yêu cầu. Bất lực với “quý tử”, lo nghĩ tương lai con, tháng 8/2015, gia đình “rủ” N. rời Cà Mau về TP.HCM chơi vài ngày. Họ lặng lẽ đưa N. đến với IVS, “gửi” cho nhà trường rồi rứt ruột “tháo chạy” sau khi lừa lấy hết dây chuyền, đồng hồ, điện thoại lẫn tiền bạc - hòng ngăn N. “đào thoát”, về lại quê…
IVS hiện đào tạo, giảng dạy cho hơn 300 học trò cấp II, III từ khắp các tỉnh thành. Đặc điểm chung, dẫu sinh trưởng trong hoàn cảnh ra sao, các em đều muốn thể hiện, khẳng định cái tôi ngang tàng, nổi loạn. Không được trang bị kiến thức để có thể “tự vệ” trước những cạm bẫy, cám dỗ, các em dễ dàng trở thành những đứa trẻ bất trị, bị tiêm nhiễm bao thói hư, tật xấu.
Con số hơn 300 học sinh nhập học ở IVS Thủ Đức trong chưa đầy hai năm chi nhánh này hoạt động gây giật mình, song lại chỉ là con số rất nhỏ bé so với thực tế những đứa trẻ “cá biệt” trong xã hội.
Theo anh Trịnh Phú Sơn - Tổng phụ trách ký túc xá IVS - hoạt động theo mô hình thiếu sinh quân, IVS đưa ra nhiều phương pháp giáo dục phù hợp và định hướng tương lai dựa trên… thói tật, tính cách, quan điểm, sở thích của học sinh. Ở đây, các em không được dùng điện thoại và các thiết bị kết nối internet; thời gian, lịch sinh hoạt, học tập được quản lý nghiêm ngặt bởi giáo viên quản nhiệm suốt 24/24 giờ.
“Đầu quân” về trường, không phải học sinh nào cũng có tinh thần tự nguyện. Lắm khi, thuyết phục không thành, phụ huynh đành chuyển sang thực hiện những cú “lừa” con hoặc nhờ các giáo viên giúp đỡ.
Gần một năm trước, vợ chồng chị Thu An (tỉnh Khánh Hòa) vờ đưa cậu con trai đến trường thăm người quen. Trong lúc chờ cha mẹ, Đ. “lướt net” tìm thông tin địa điểm mình đang đứng, nghi ngờ chuyện không hay, Đ. bất ngờ xông vào phòng nơi cha mẹ đang trò chuyện với “người quen”.
Phát hiện bậc sinh thành chuẩn bị ký hợp đồng gửi con theo học, Đ. tức giận, lao đến giật hợp đồng xé nát rồi hét toáng: “Ông bà lừa tôi à? Đi về ngay”. Vội vàng đưa Đ. tìm góc tĩnh trấn an, chờ cho em qua cơn bức xúc, thầy cô cho biết, cha mẹ em đã... rời đi, khuyên Đ. chỉ nhập học “thử nghiệm”.
Thay đổi môi trường sống, học tập và đặc biệt phải từ bỏ bao sở thích, thói quen vốn dĩ biến các em thành những đứa trẻ bất trị, chưa bao giờ dễ dàng. Đ. học lớp 9 nhưng đã có “thâm niên” ba năm sử dụng điện thoại di động, dần thành một chứng nghiện. Mọi lúc mọi nơi, Đ. không rời mắt khỏi màn hình, thậm chí - chị Thu An buồn bã, nhớ lại: “Đi toilet con cũng cầm điện thoại theo lướt net”.
Hậu quả của “căn bệnh” khiến Đ. cận thị nặng, không tập trung vào điều gì ngoài chiếc điện thoại. Đ. cáu gắt, quát mắng những ai làm mình phân tâm; học hành sa sút… Việc buông bỏ một món vật bất ly thân trong những tháng đầu biến Đ. thành cậu học trò hung dữ nhất khi gia nhập cuộc sống mới.
Đ. vò đầu, bứt tai, luôn hỏi mượn những người chung quanh nhưng trong môi trường ấy, ngoài thầy cô, chẳng ai có điện thoại cho Đ. mượn càng khiến cậu nổi nóng, chửi thề với cả người không có điện thoại để cho mượn.
Tâm trạng buồn chán, bất mãn và căm hận bậc sinh thành là mẫu số chung của các em trong ngày đầu nhập học. Nhiều em không chấp nhận thực tế, càng nổi loạn, trút giận bằng cách gây chuyện chửi bới, đánh bạn hoặc chẳng thèm nói chuyện, nhưng ai “động” vào dù chỉ gọi tên cũng dễ bị mắng. Luyến tiếc cuộc sống cũ, có em còn viện đủ lý do như đau bụng, không khỏe để nghỉ học, không tham gia các sinh hoạt chung, sau đó, càng trở thành đứa trẻ khó gần, hung hăng hơn.
Trung bình, mỗi “tân binh” phải mất từ một-ba tháng để quên đi “bản thân cũ”, sau đó mới mở lòng hòa nhập, dần thích ứng với môi trường, hoàn cảnh mới. Theo dõi để “bắt bệnh” kịp thời, tùy trường hợp mà không cho em này có thời gian rảnh rỗi hoặc tâm sự, trò chuyện với em kia là cách các thầy cô từng bước giúp học trò nguôi ngoai, triệt tiêu “bệnh” cũ.
Đổi thay bất ngờ
Chìa cánh tay đầy vết rạch và sẹo tàn thuốc lá, Ngô Thị Thu H. cười bẽn lẽn: “Quá khứ… “tàn khốc” nhắc em từ rày phải đàng hoàng, có trách nhiệm với cuộc đời. Năm nay thi tốt nghiệp, em nuôi giấc mơ làm sinh viên Học viện Tài chính nên đang nỗ lực hết mình”. Rồi H. trầm buồn: “Thật ra, đến giờ em coi IVS là gia đình của mình, em ít về thăm nhà vì không còn thấy kết nối nào với người thân”.
Cha mẹ ly hôn năm H. tròn một tuổi, lên lớp 1 thì cha lập gia đình; lớp 4, mẹ em đi bước nữa. H. được “giao” ở lại với ông bà. Những đứa em lần lượt chào đời, H. gần như bị “đẩy” khỏi cuộc ấm êm riêng của cha mẹ. Bao lần bơ vơ “chạy qua chạy lại” giữa hai gia đình đều không được quan tâm, H. về với ông bà, thấy lạc lõng, không được ai yêu thương, cảm giác thế giới đang quay lưng, chối bỏ mình.
Như một “tâm điểm” cho bạn bè chọc ghẹo, rằng “có tới ba gia đình, gia đình nào mày thích ở nhất” chạm vào nỗi đau, khát khao khiến H. càng khép mình, dễ tổn thương, không mở lời với ai, kể cả ông bà ngoại. Thường xuyên rơi vào những cơn trống rỗng, chán nản, H. tìm đến thuốc lá, rượu bia, một mình đi chơi khuya, bỏ nhà đi bụi từ năm lớp 6.
Trong hai năm tiếp theo, bốn lần bị người-thân-trong-ba-gia- đình chửi mắng khi nhà trường “mắng vốn”, em tìm đến cái chết, bằng thuốc trừ sâu, bằng rạch tay. May mắn sống sót, nhưng mỗi lần buồn chán, H. lại tìm đến đau đớn bằng những vết rạch, châm điếu thuốc hút dở trên hai cánh tay, như một khoái cảm.
Cuộc họp giữa cha mẹ sau đó đi đến quyết định đưa H. vào IVS trụ sở chính tại Hà Nội. Xin chuyển vào chi nhánh miền Nam hơn một năm nay, H. hiện tại là một trong số năm học sinh giỏi nhất của khối lớp 12…
Hay chị Thu An mẹ em Đ., kể lại cái giật mình, rồi đứng lặng khi Đ. về thăm nhà, chưa kịp nghỉ ngơi đã nhào ra tiệm phụ mẹ lau từng đôi giày bám bụi bán cho khách. Chiếc điện thoại của Đ. vẫn còn đó, “khiêu khích” song tuyệt nhiên Đ. chẳng đoái hoài, ngó ngàng…Cũng như N., H. đang cùng một số học sinh tốp đầu trải qua những ngày tất bật chuyển sang các khóa học nâng cao, chuyên sâu dành cho học sinh khá giỏi, chuẩn bị thi tốt nghiệp. Không giấu nổi niềm vui, từ Cà Mau, chị Lý Hồng V., mẹ N. tâm sự: “N. bây giờ rất ngoan, vài bận về thăm nhà bị bạn cũ đến rủ đi đua xe, con tôi đều từ chối. N. ngủ dậy biết xếp lại chăn mùng và bữa cơm còn biết mời cha mẹ, người thân. Con làm chúng tôi rất bất ngờ”.
Gửi con vào môi trường học tập, sinh hoạt đặc biệt, kỷ luật cao đem lại sự an tâm, song đôi khi, đòi hỏi các phụ huynh phải vững vàng, cứng rắn, quyết liệt với… chính mình. Không ít cha mẹ vì quá thương nhớ con, đã quay lại xin đưa con trở về. Tâm lý ấy nếu đứa trẻ biết được, càng làm nư, càng vẫy vùng. Xin con về dăm tháng lại đau đớn đưa con trở lại là tình trạng của không ít bậc sinh thành.
Hôm chúng tôi đến, ngậm ngùi khi các thầy ái ngại “lén” chỉ tay về một người mẹ đang… lấp ló đứng nhìn vào sân bóng, nơi có cậu con trai vừa gửi vào ba tuần. Ba tuần qua, cách ngày, người mẹ lại xuất hiện, ngượng ngùng không dám cho ai biết sự có mặt của mình.
Chị “giấu” mình từ xa, chỉ để được nhìn thấy con cho vơi nỗi thương nhớ. Không biết người mẹ ấy “trụ” trong tình yêu, nỗi nhớ thương kia được bao lâu? Hành trình giúp con trưởng thành, tử tế, cần rất nhiều nỗ lực của mẹ cha - một cái đầu lạnh, một trái tim nóng - là vậy!
Trường nội trú IVS thành lập năm 2009, thuộc Viện Nghiên cứu phát triển Vovinam và thể thao (Viện IVS), hoạt động vì mục đích đào tạo học sinh (HS) có cá tính “đặc biệt” thông qua dự án khoa học “Tìm kiếm tài năng của học sinh đặc biệt”. IVS xây dựng một chương trình đào tạo đặc biệt giúp các em phát triển toàn diện trí tuệ, kiến thức, đạo đức, kỹ năng lẫn thể chất. Bên cạnh chương trình giáo dục phổ thông (liên cấp THCS và THPT) theo quy định của Bộ GD-ĐT, trường còn rèn luyện HS thông qua môi trường học tập và sinh hoạt theo mô hình thiếu sinh quân với kỷ luật quân đội nghiêm khắc; đồng thời phát triển chuyên sâu các năng khiếu như võ thuật, thanh nhạc, dance sport, múa, vẽ… cho các em. Theo ông Đặng Lê Anh - Viện phó Viện IVS, trường tiếp nhận các HS độ tuổi cấp II, III có tính cách đặc biệt (bị dán nhãn “cá biệt” như nghiện game, tăng động, quậy phá, hư hỏng…) mà gia đình và hệ thống giáo dục bình thường xem là không phù hợp. Tại IVS, các em sẽ được “giải phóng năng lượng” đã tạo nên tính cách “đặc biệt” và “cá biệt” thông qua các khóa học riêng. IVS khuyến cáo phụ huynh là thời gian gửi con vào trường tối thiểu phải hai năm/hợp đồng, để đảm bảo “lộ trình” đào tạo các em: ba tháng ổn định tâm lý, chấp nhận thực tại; sáu tháng cân bằng cảm xúc, tính cách, biết làm chủ bản thân, có tinh thần độc lập, ý thức hành vi và sau một năm theo học, bắt đầu phát triển tài năng dựa trên sở trường, sở thích, năng khiếu được phát hiện và định hướng. Việc giảng dạy theo chương trình của Bộ GD-ĐT giúp HS IVS có thể liên thông (hay chuyển tiếp) đến tất cả các trường THCS, THPT khác sau khi hoàn tất hợp đồng. Cuối các cấp học, HS được tham gia thi và cấp bằng tốt nghiệp THCS, THPT theo quy định của Bộ GD-ĐT. |
Tuyết Dân
Theo báo: Phụ nữ Online
Bình luận
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
- Người muốn đưa Lân, Sư, Rồng Việt Nam ra thế giới
- Học sinh IVS phô diễn tuyệt kỹ Vovinam và múa Rồng truyền thống Việt Nam tại Brazil.
- NGHỆ SĨ NHÂN DÂN TRỌNG TRINH ĐỒNG HÀNH CÙNG IVS.
- "Lễ hội Halloween" và ý nghĩa giáo dục đặc biệt tại Hệ thống Giáo dục IVS.
- LỄ KHAI GIẢNG NĂM HỌC 2024-2025 TRƯỜNG IVS CƠ SỞ BẮC NINH
Tôi có con trai đang học lop 9 can sự giúp đỡ của truong
Trân trọng cảm ơn quý anh (chị) đã quan tâm đến Trường Nội trú IVS. Anh (chị) vui lòng liên hệ đến một trong các số điện thoại sau:
- Hotline khu vực phía Bắc 0963.686.183 / 096.882.96.98
- Hotline khu vực phía Nam: 0901.56.7778 / 0898.525.189
Để được tư vấn chi tiế
Chi nhánh tại Hà Nội hiện tại vẫn nhận học sinh cấp3 chứ ah?
Trân trọng cảm ơn quý anh (chị) đã quan tâm đến Trường Nội trú IVS. Anh (chị) vui lòng liên hệ đến một trong các số điện thoại sau:
- Hotline khu vực phía Bắc 0963.686.183 / 096.882.96.98
- Hotline khu vực phía Nam: 0901.56.7778 / 0898.525.189
Để được tư vấn chi tiết các thông tin về nhà trường!